Thông tin chung
Giới thiệu: Học viện Ngoại giao được thành lập theo Quyết định Số 82/2008/QĐ – TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên cơ sở...
Mã trường: HQT
Tên viết tắt: DVA
Địa chỉ: 69 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3834 4540
Email: Đang cập nhật
Website: https://dav.edu.vn/
Đăng ký xét tuyểnHọc viện Ngoại giao được thành lập theo Quyết định Số 82/2008/QĐ – TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Học viện Quan hệ Quốc tế (tiền thân là Trường Ngoại giao – thành lập năm 1959). Học viện Ngoại giao thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại; đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; nghiên cứu, tham mưu tư vấn chính sách đối ngoại cho Bộ Ngoại giao, Đảng và Nhà nước.
Thành tích:
- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1994)
- Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1999)
- Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2004)
- Huân chương Hồ Chí Minh (2009)
Đội ngũ cán bộ:
Học viện có tổng số 242 cán bộ, nhân viên và dự kiến sẽ kiện toàn đội ngũ nhân sự với tổng số 350 người. Các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện phần lớn có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và được đào tạo ở nước ngoài (2 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 33 tiến sỹ, khoảng 80 thạc sỹ) đang tham gia giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực: chính trị quốc tế và ngoại giao, luật quốc tế, kinh tế quốc tế, ngoại ngữ, truyền thông và văn hóa đối ngoại.
Đào tạo
Hàng năm, Học viện tuyển sinh 60 sinh viên hệ sau đại học, 450 sinh viên hệ cử nhân với 06 ngành đào tạo: Quan hệ Quốc tế, Luật Quốc tế, Kinh tế Quốc tế, Truyền thông Quốc tế, Tiếng Anh và Tiếng Pháp; 100 sinh viên hệ cao đẳng ngành Quan hệ Quốc tế và khoảng 150 sinh viên hệ vừa học vừa làm ngành Quan hệ Quốc tế. Các đơn vị đào tạo có chức năng như một trường đại học trực thuộc Học viện với các Khoa, Phòng chức năng (xem sơ đồ cơ cấu tổ chức).
Nhằm tăng cường chất lượng đào tạo, Học viện hợp tác với một số Trường Đại học trên thế giới như Đại học Lyon III (Pháp), mời các giáo viên nước ngoài vào giảng dạy ngoại ngữ, các vấn đề về chính sách đối ngoại châu Âu, Hoa Kỳ, vv… Cho đến năm 2018, Học viện đã tuyển sinh 44 khoá đại học chính quy với khoảng trên 8000 sinh viên, 23 khoá trung cấp với gần 2500 sinh viên và gần 30 khoá cao học với tổng số khoảng 900 học viên, 8 khóa tiến sỹ với 27 học viên.
Nghiên cứu:
Học viện tổ chức nghiên cứu, tổng hợp và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, luật pháp, văn hoá và chính sách đối ngoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Học viện tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại, xây dựng lịch sử và lý luận quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Học viện còn là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Ngoại giao. Học viện đã tiến hành hơn 250 đề tài nghiên cứu quan hệ quốc tế từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Trong cơ cấu tổ chức, Học viện có hai viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao và Viện Biển Đông.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao có ba Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và An ninh, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hội nhập, Trung tâm Nghiên cứu Khu vực và Chính sách Đối ngoại.
Viện Biển Đông có bốn Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Trung tâm Nghiên cứu luật pháp, Trung tâm Hợp tác quốc tế và Trung tâm Thông tin – Tư liệu.
Hợp tác quốc tế:
Học viện có quan hệ hợp tác với hơn 80 viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới. Ngoài ra, Học viện là thành viên tích cực của nhiều mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới như Mạng lưới các Viện Nghiên cứu chiến lược của ASEAN (ASEAN – ISIS), Mạng lưới Nghiên cứu Đông Á (NEAS), Mạng lưới các Viện Nghiên cứu Đông Á (NEAT), Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP), vv… Cán bộ của Học viện thường xuyên tham gia các cuộc toạ đàm, hội thảo, hội nghị quốc tế được tổ chức ở nước ngoài. Hàng năm Học viện đón và làm việc với khoảng 60 đoàn học giả, chính khách quốc tế, tham gia khoảng 60 Hội thảo quốc tế. Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc Văn phòng Học viện Ngoại giao thực hiện chức năng là đầu mối của Học viện trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu, học thuật với các trường đại học, học viện, viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ trong và ngoài nước.
Bồi dưỡng:
Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ Ngoại giao (FOSET) là đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ, kỹ năng biên phiên dịch cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Trung tâm FOSET đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bao gồm “Đề án Chương trình tổng thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao giai đoạn 2016-2020”; “Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016-2020”; và “Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng dành cho công chức, viên chức trực tiếp làm công tác hội nhập quốc tế của các Bộ, Ngành và Địa phương” và các lớp theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức khác.
Thông tin, Tư liệu:
Trung tâm Thông tin, Tư liệu thuộc Học viện Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý, khai thác thông tin về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trung tâm là đơn vị phụ trách việc xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế và các ấn phẩm khác như sách tham khảo, giáo trình. Thư viện thuộc Trung tâm hiện có khoảng 40.000 đầu sách và tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu cho Học viện và Bộ Ngoại giao.
Bạn cần Đăng nhập để có thể bình luận hoặc Đăng ký nếu chưa có tài khoản